Chuyển hóa tội phạm là vấn đề gây khó khăn trong xác định tội danh. Trong một số trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: Trộm cắp tài sản, Cướp giật tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bị phát hiện người thực hiện đã có hành vi sử dụng bạo lực để tẩu thoát. Vậy khi nào hành vi sử dụng bạo lực này là tình tiết tăng nặng của hành vi chiếm đoạt tài sản? Khi nào hành vi sử dụng bạo lực này là Cướp tài sản? 

Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về trường hợp tội Trộm cắp tài sản và tội Cướp giật tài sản chuyển hóa thành tội Cướp tài sản.

Tội Trộm cắp tài sản chuyển hóa thành tội Cướp tài sản

Được quy định tại Điều 168 Bô luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Cướp tài sản được hiểu là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ hoặc do họ quản lý.

Hành vi trộm cắp tài sản, theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, là hành vi lén lút, bí mật dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trộm cắp tài sản chuyển hóa thành Cướp tài sản khi:

  • Trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà người phạm tội dùng vũ lực; hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại; người khác để chiếm đoạt tài sản cho bằng được.
  • Trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Nhưng do chủ tài sản; người khác đã lấy lại được tài sản; đang giành lại tài sản từ tay người phạm tội mà người phạm tội dùng vũ lực; hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản bằng được.

Tội Cướp giật tài sản chuyển hóa thành tội Cướp tài sản

Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định, theo đó, hành vi cướp giật tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở (Ví dụ: giật dây chuyền vàng của phụ nữ đang đi trên đường,…) hoặc sử dụng thủ đoạn tinh vi tạo ra sơ hở của người bị hại (Ví dụ: giả vờ hỏi mua điện thoại di động, khi được chủ tài sản đưa cho xem đã lập tức cầm điện thoại chạy thoát,…) để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi tẩu thoát. Cướp giật tài sản chuyển hóa thành Cướp tài sản khi:

  • Trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản…
  • Trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…

Có thể thấy, các trường hợp trên, vấn đề chuyển hóa tội danh xảy ra khi người thực hiện hành vi đã sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản thì tội Trộm cắp tài sản, tội Cướp giật tài sản sẽ chuyển hóa thành tội Cướp tài sản.

Hành vi sử dụng bạo lực chỉ là một tình tiết tăng nặng của các hành vi chiếm đoạt tài sản khi người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát, không nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi đối với vấn đề về chuyển hóa tội phạm. Để được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ theo Hotline 0917.333.769 hoặc đến văn phòng của chúng tôi tại địa chỉ 94 Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh để được Luật sư của chúng tôi hỗ trợ trực tiếp. 

0917 333 769