Khái niệm tài sản

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Trong đó, bất động sản (Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015) bao gồm:

  • Đất đai;
  • Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  • Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
  • Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Khái niệm quyền sở hữu tài sản

Một trong các quyền của tổ chức, cá nhận được pháp luật bảo hộ đó chính là quyền đối với tài sản, theo đó tại Bộ luật dân sự đã quy định cụ thể về các quyền này đối với tài sản. Đồng thời, để các tài sản đó được bảo vệ và chủ sở hữu được thực hiện các quyền của mình thì Nhà nước đã ban hành các chế tài để bảo vệ quyền đó. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của việc xâm phạm đối với các quyền của tài sản mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với quyền sở hữu tài sản, tại Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận bao gồm 03 quyền:

  • Quyền chiếm hữu là “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”(Điều 186);
  • Quyền sử dụng là “quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.” (Điều 189); và
  • Quyền định đoạt là “là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.” (Điều 192).

Như vậy, có thể hiểu khi công dân có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản thì được thực hiện các quyền đối với tài sản, được nắm giữ, chi phối, hưởng hoa lợi, lợi tức và quyết định việc chuyển giao tài sản cho người khác dưới nhiều hình thức như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…

Còn theo Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

  • Quyền đối với bất động sản liền kề;
  • Quyền hưởng dụng;
  • Quyền bề mặt.

Trong các loại tài sản thì đất đai được xem là một loại tài sản đặc biệt, Nhà nước chỉ ghi nhận quyền sử dụng mà không ghi nhận quyền chiếm hữu, quyền định đoạt bởi tại Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định rõ đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đồng thời, tại Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”. Do đó, đối với đất đai thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

0917 333 769