Theo Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động, tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau, tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Các loại tranh chấp lao động bao gồm:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Phương thức giải quyết tranh chấp tùy vào từng loại tranh chấp lao động mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động khác nhau là:  Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân. Và tương ứng với thẩm quyền sẽ có 4 phương thức giải quyết tranh chấp lao động:

  • Thương lượng trực tiếp giữa các bên.
  • Thông qua hoà giải của hòa giải viên.
  • Theo thủ tục trọng tài tại hội đồng trọng tài lao động.
  • Giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Thương lượng trực tiếp giữa các bên

Thực chất của phương thức thương lượng chính là cùng nhau tự giải quyết vấn đề. Các bên trực tiếp gặp nhau thương lượng tìm tiếng nói chung để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng mà không cần sự tham gia của bên thứ ba.

Đây là phương thức được tiến hành đầu tiên khi các bên có mâu thuẫn, cần giải quyết tranh chấp vì ưu điểm ít tốn kém về thời gian, về tài chính, phức tạp về thủ tục, trình tự và hiệu quả khả thi. Theo quy định pháp luật hiện hành, thương lượng cũng được xác định là một nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động.

Pháp luật cũng khuyến cáo các bên sử dụng phương thức thương lượng trực tiếp trước khi quyết định sử dụng các phương thức giải quyết khác. Tuy nhiên thương lượng không phải là thủ tục bắt buộc đầu tiên, các bên cũng có thể bỏ qua bước thương lượng để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo thủ tục luật định.

Thông qua hòa giải viên lao động

Hòa giải lao động là bước bắt buộc trong việc giải quyết một số tranh chấp lao động theo pháp luật Việt Nam. Thông qua một chủ thể thứ ba là hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quan hệ lao động.

Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về hòa giải viên, thẩm quyền của hòa giải viên và trình tự thủ tục hòa giải. Hòa giải viên lao động là người có đủ điều kiện về năng lực hành vi, trình độ kiến thức, lý lịch tư pháp, được bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động. Hòa giải viên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Trong tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết trừ một số trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019. Các trường hợp tranh chấp này có ảnh hưởng trực tiếp, xâm hại nghiêm tượng đến quyền và lợi ích của người lao động, cần giải quyết dứt điểm hay do đặc thù riêng của tranh chấp thì không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.

Trong tranh chấp lao động tập thể

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 191 và Khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 thì cả tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

Như vậy, theo nguyên tắc thì các tranh chấp lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động và toà án giải quyết đều phải giải quyết thông qua hoà giải bởi hoà giải viên lao động.

Các tranh chấp lao động không phải thông qua thủ tục hòa giải

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Theo thủ tục trọng tài

Trọng tài lao động là phương thức giải quyết tranh chấp trong lao động thực hiện bởi bên thứ ba trung lập đứng ra phân xử. Là phương thức giải quyết tranh chấp lao động nhanh, gọn, linh hoạt, mang tính thương lượng, đàm phán cao nhưng vẫn trung thực, nghiêm túc. Phương thức trọng tài được chọn lựa vì thật sự tạo cho các bên tranh chấp thế chủ động trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Các nội dung như người tiến hành trọng tài, thời gian, địa điểm… đều thuộc quyền kiểm soát triệt để của các bên tranh chấp. Từ đó tạo cơ hội cho chính các bên tranh chấp có thể đạt được lợi ích tối đa từ quá trình giải quyết tranh chấp. Phán quyết trọng tài có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và bổ nhiệm.

Giải quyết tại tòa án

Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp lao động  cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định tại Điều 32 Bộ Luật Tố tụng 2015, sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019. Những tranh chấp về lao động không bắt buộc thực hiện qua thủ tục hòa giải theo quy định  tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Những tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Giải quyết tại tòa án là phương thức được tiến hành theo thủ tục tố tụng chặt chẽ, thực hiện bởi cơ quan tư pháp, nhân danh nhà nước, bằng pháp luật giải quyết các tranh chấp.

Ưu điểm của phương thức này là tòa án áp dụng nguyên tắc xét xử công khai nên có tác dụng răn đe, trình tự tố tụng chặt chẽ, các quyết định, phán quyết tại tòa được đảm bảo hiệu lực thi hành.

Đồng thời sẽ tiến hành cưỡng chế nếu các bên không chấp hành theo bản án. Hạn chế của phương thức giải quyết tại tòa là thời gian có thể kéo dài với nhiều cấp xét xử theo thủ tục tố tụng, chi phí tốn kém, căng thẳng cho quan hệ lao động sau khi giải quyết… Vì vậy, giải quyết tranh chấp lao động tại toà án thường là giải pháp cuối cùng sau khi các tranh chấp đã được giải quyết ở các giai đoạn khác mà không đạt kết quả.

0917 333 769