(Pháp lý) Đối với mỗi sau khi cố gắng vất vả làm việc để tích lũy được một số tài sản khi về già, có một số người may mắn con ngoan hiếu thảo và thương yêu nhau, nhưng một số thì ngược lại sẽ gặp những đứa con hư hỏng. Nếu khi mất đi mà không để lại di chúc thì rất dễ xảy ra tình trạng vì tranh giành mà dẫn đến sự việc đau lòng. Chính vì vậy, lập di chúc là điều cần thiết trong xã hội hiện nay. Di chúc tự viết ra mà không có công chứng hay chứng thực thì có hợp pháp không?

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu Di chúc là gì? Ai được quyền lập di chúc? Di chúc tự viết và không có công chứng, chứng thực thì có giá trị không?

Di chúc là gì?

Theo quy định tại Điều 624 BLDS 2015: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Ai được quyền lập di chúc? Quyền của người lập di chúc?

Theo quy định tại Điều 625 BLDS 2015 thì Người lập di chúc là: Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Theo đó, người lập di chúc có quyền: chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Hình thức của di chúc

Theo quy định tại Điều 627 BLDS 2015 thì: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Theo quy định của Điều 629 BLDS năm 2015, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức, gồm: ít nhất 02 người làm chứng; ngay lập tức người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ; công chứng/chứng thực trong thời hạn 05 ngày làm việc; mặc nhiên bị hủy bỏ sau 03 tháng nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt.
Vì vậy, nếu chỉ vi phạm một trong các điều kiện nêu trên thì di chúc miệng sẽ bị coi là vô hiệu. Trên thực tế, do di chúc miệng được lập trong tình trạng đặc biệt, có tính cấp bách nên dễ bị vô hiệu hơn loại hình di chúc khác:

Di chúc bằng văn bản bao gồm các loại như sau:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có công chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã sửa đổi một số quy định về hình thức của di chúc như sau:
– Loại bỏ quy định: “Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình” (Điều 649 BLDS năm 2005). Việc loại bỏ này nhằm bảo đảm sự tương thích với quy định của Hiến pháp – công dân có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình – quyền của công dân được pháp luật bảo hộ, không cần thiết phải quy định trong BLDS.
– Về di chúc miệng, BLDS năm 2015 chỉ còn giữ lại trường hợp “tính mạng một người bị cái chết đe dọa” (Điều 629) và loại bỏ trường hợp “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” (khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2005). Việc bỏ quy định này tạo ra một quy định ngắn gọn, chặt chẽ và dễ áp dụng.
Nếu di chúc miệng tại BLDS năm 2005 không nêu rõ là cần công chứng hoặc chứng thực nội dung bản di chúc hay xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng, thì BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định chỉ “xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng” (khoản 5 Điều 630).
– Về di chúc bằng văn bản có người làm chứng, BLDS năm 2015 bổ sung quy định về di chúc đánh máy: “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc” (Điều 634).
So với di chúc tự viết, di chúc đánh máy dễ đọc, dễ nhìn hơn nhưng lại không có giá trị bằng di chúc tự viết và dễ dàng bị sao chép. Vì vậy, trường hợp người lập di chúc tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng (không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực). Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người lập di chúc không tự mình viết ở đây là những người không bị hạn chế về thể chất và biết chữ để biết được người đánh máy hộ có đánh máy đúng các nội dung theo ý chí của mình hay không, khác với trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ được người làm chứng lập thành văn bản thì bắt buộc phải có công chứng, chứng thực.

Nội dung của di chúc

Theo Điều 631 Bộ luật dân sự 2015, Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung quy định trên, di chúc có thể có các nội dung khác.

Trong đó, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Di chúc thế nào được xem là hợp pháp?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 627 BLDS 2015 thì Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được căn cứ theo quy định tại Điều 630, 631 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, một bản di chúc hợp pháp là bản di chúc được lập tại thời điểm mà người để lại di chúc minh mẫn sáng suốt, việc lập di chúc và phân chia di sản theo ý chí của họ không bị lừa dối hay bị ai cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, bảo đảm đúng về hình thức của di chúc.

Căn cứ vào các quy định trên thì di chúc tự viết không bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng phải thỏa mãn các điều kiện về chủ thể lập di chúc và nội dung của di chúc. Di chúc tự lập mà không có người làm chứng thì phải tuân theo quy định tại Điều 633 Bộ luật dân sự 2015. So với di chúc tự viết, di chúc đánh máy dễ đọc, dễ nhìn hơn nhưng lại không có giá trị bằng di chúc tự viết và dễ dàng bị sao chép. Vì vậy, trường hợp người lập di chúc tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng (không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực).

 Cơ sở pháp lý:

– Điều 624, Điều 625, Điều 626, Điều 627, Điều 628, Điều 630, Điều 633 Bộ luật dân sự 2015.

0917 333 769