(Pháp lý) Khi kết hôn, không ai mong muốn mình sẽ ly hôn, nhưng bởi vì cuộc sống có nhiều áp lực, có nhiều vấn đề mà cả hai không tìm được tiếng nói chung, không còn giải pháp nào khác đành phải ly hôn. Nhưng nếu một bên vợ hoặc chồng không đồng ý thì có ly hôn được không?

Ai được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?

Khi nhận thấy cuộc hôn nhân kéo dài sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần, sức khỏe, đời sống cá nhân của mỗi bên, việc yêu cầu ly hôn là cần thiết. Kết hôn là việc của hai người, bằng sự tự nguyện, không bị cưỡng ép. Còn ly hôn thì không phải chỉ có vợ hoặc chồng yêu cầu giải quyết. Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, người có quyền yêu cầu ly hôn gồm: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo quy định nêu trên thì vợ/chồng có quyền yêu cầu khởi kiện ly hôn tại tòa án nếu có đủ năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp, vợ/chồng có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ hoặc mất thì cha, mẹ, người thân thích đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương.

Tòa án có giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của một bên?

Tòa án có giải quyết cho ly hôn hay không phụ thuộc vào các yếu tố để xác định nguyên nhân dẫn đến đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài. Theo đó, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Bên cạnh đó, Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Với mong muốn, nhờ vào việc hòa giải, các bên sẽ hàn gắn lại được quan hệ sau khi được hòa giải viên phân tích, giải thích những vấn đề và giúp các bên tìm ra giải pháp. Từ đó, để các con được sống trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, đồng thời giúp cho các con phát triển một cách toàn diện nhất khi tình cảm gia đình cũng là phần quan trọng trong giai đoạn từ bé cho đến khi trưởng thành đủ nhận thức được các vấn đề.

Căn cứ vào các quy định trên, nếu có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng được Tòa án giải quyết cho ly hôn mà không cần sự đồng ý của bên còn lại khi hòa giải không thành. Bên cạnh đó, trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được quyền yêu cầu ly hôn.

  •  Cơ sở pháp lý:

– Khoản 14 Điều 3; Điều 51; Điều 52; Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ngày 19/6/2014;

0917 333 769