Chuyên viên pháp lý Phạm Thị Nguyệt trả lời câu hỏi của anh dựa trên ý kiến tham vấn của Luật sư Nguyễn Trung Hiếu như sau:

Nội dung câu hỏi: Tôi đi cà phê làm việc, lúc về tôi để quên ví tại bàn. Trong ví có nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng và số tiền 10.000.000 đồng. Sau khi phát hiện mình bị mất, tôi đã quay lại quán hỏi và yêu cầu trích xuất camera thì thấy một người khách vào sau tôi đã nhặt được sau đó cho vào túi quần. Do trong ví có thông tin và số điện thoại của tôi, nên mấy ngày sau tôi nhận được điện thoại của người đã nhặt được ví, tôi yêu cầu được nhận lại ví nhưng người đó không trả mà yêu cầu tôi phải đưa 3.000.000 đồng thì mới đồng ý trả lại đồ cho tôi. Luật sư cho tôi hỏi, hành vi đòi tiền chuộc khi nhặt được đồ của người khác có vi phạm pháp luật hay không?chuyen-vien-phap-ly-pham-thi-nguyet-chan-thien-my

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự hiện hành;
  • Bộ luật hình sự hiện hành.

Điều 230 Bộ luật dân sự 2015, Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên quy định: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quyên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Theo quy định nêu trên, đối với trường hợp nhặt được đồ do người khác đánh rơi, bỏ quên thì phải giao trả lại cho người đã đánh rơi, bỏ quên hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an gần nhất. Nếu cố tình chiếm giữ không trả cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm sau khi được yêu cầu giao trả theo quy định thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt có thể từ 03 tháng đến 02 năm:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Theo tình huống bạn cung cấp, sau khi nhặt được ví của bạn, người kia phát hiện trong ví có các giấy tờ quan trọng cùng số tiền lớn nên đã đe dọa, dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần bạn nằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể là yêu cầu bạn phải đưa số tiền chuộc 3.000.000 đồng thì mới đồng ý trả ví. Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, hành vi của người đó có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản mức xử phạt có thể từ 01 năm đến 05 năm:

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Do đó để giải quyết vụ việc, bạn có thể làm đơn trình báo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện nơi bạn để quên tài sản kèm theo các tài liệu chứng cứ có liên quan để cơ quan điều tra có căn cứ thụ lý, giải quyết.

Mong rằng phần tư vấn của chúng tôi có thể giúp anh giải đáp được thắc mắc của mình. Nếu anh có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo Hotline 0917.333.769 hoặc đến văn phòng của chúng tôi tại địa chỉ 94 Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh để được Luật sư của chúng tôi hỗ trợ trực tiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0917 333 769