Ngày 13/2, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất.

Theo đó, thời gian qua, một số doanh nghiệp (đặc biệt thuộc nhóm bất động sản) gặp khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023; có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, các chuyên gia và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, để doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng các tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ ba trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn cân đối dòng tiền để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 02 năm ; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu) mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.

Dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thi hành với một số quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023 để doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024, tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời cũng ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023 . Đối với TPDN chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/1/2023.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định số 65 trong vòng 01 năm. Theo đó việc phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Kể từ ngày 01/01/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày.

(Theo cafef.vn)

0917 333 769