Chuyên viên pháp lý Trịnh Quang Hưng trả lời câu hỏi của anh dựa trên ý kiến tham vấn của Luật sư Nguyễn Trung Hiếu như sau:

Nội dung câu hỏi: Tôi và anh Trần Văn T ly hôn vào tháng 01/2024. Theo bản án ly hôn, tôi được giao quyền nuôi con và anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi tháng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 05/2024, anh T không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và cho rằng do công việc khó khăn nên không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính như thỏa thuận ban đầu. Vậy giờ tôi có cách nào để buộc anh T cấp dưỡng hay không?

Cơ sở pháp lý: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2022.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.”

Theo các quy định nêu trên và nội dung bản án ly hôn có thể hiện anh T là người không trực tiếp nuôi con. Do đó, chị được quyền yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con và anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hàng tháng với số tiền là 5.000.000 đồng.

Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Do mức cấp dưỡng được các bên tự thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của anh T và nhu cầu thiết yếu của người dược cấp dưỡng. Trường hợp không thỏa thuận được thì được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, việc anh T lấy lý do công việc khó khăn không được xem là lý do để dừng hay thay đổi việc cấp dưỡng nuôi con chung, trừ khi giữa các bên có thỏa thuận khác hoặc Tòa án quyết định giảm mức cấp dưỡng.

Điểm a, khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2022 có quy định về quyền của người phải thi hành án như sau: a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này.”

Như vậy, nếu anh T không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo nội dung bản án thì chị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu anh T thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành. Anh T có thể bị cưỡng chế thi hành án nếu không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

Trên đây là giải đáp đối với câu hỏi của chị, mong rằng phần tư vấn trên có thể giúp chị giải đáp được thắc mắc của mình. Nếu chị có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo Hotline: 0917.333.769 hoặc đến văn phòng của chúng tôi tại địa chỉ: 94 Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc 1/8a Quang Trung, thị trấn Hóc Môn, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh để được Luật sư của chúng tôi hỗ trợ trực tiếp.

0917 333 769